Cài đặt Android 4.4 KitKat lên máy tính sử dụng Windows

Phiên bản hệ điều hành Android 4.4 KitKat không còn xa lạ, nhưng có lẽ nhiều người còn chưa có dịp tận mắt trải nghiệm thực tế. Bài viết này sẽ sử dụng phiên bản Android 4.4 KitKat được tạo bởi Android-x86, một dự án không chính thức về việc phát triển các bộ cài đặt Android lên máy tính sử dụng cấu trúc phần cứng Intel x86.
Có nhiều cách để cài đặt phiên bản Android này lên máy tính, cụ thể:
- Cách thứ 1: Cài đặt trên máy tính ảo sử dụng phần mềm VirtualBox. Cách này tương đối dễ dàng với cả những người sử dụng máy tính bình thường nhất. Tuy nhiên lại không thể cảm nhận rõ nét vì sử dụng máy tính ảo sẽ làm giảm tốc độ truy cập dữ liệu, giao diện cảm ứng sẽ không được mượt mà lắm.
- Cách thứ 2: Cài đặt trực tiếp lên một phân vùng ổ cứng của máy tính. Bằng cách sử dụng hần mềm UNetbootin dùng để tạo khả năng boot cho USB, chép file lên USB và tiến hành cài đặt từ USB. Cách này đã được hướng dẫn rất nhiều trên các diễn đàn, độ khó tương đối cao và chứa rủi ro về dữ liệu trên ổ cứng, hoặc có thể không thể khởi động Windows nếu làm sai thao tác.
- Cách thứ 3: Một cách khác đơn giản hơn, nhanh hơn và an toàn, đây là điều mà bài viết này muốn đề cập đến. Thực ra nó là việc đơn giản hóa cách thứ 2, có nghĩa là sẽ bỏ qua việc cài đặt trực tiếp hệ thống Android lên máy tính đảm bảo an toàn dữ liệu, các thao tác còn lại là thủ công, đơn giản được thực hiện ngay trong Windows.

Download phần mềm và các file cần thiết:
- Phần mềm BootIce v1.3.2 (Download)
- Các file tạo menu Grub4Dos (Download)
- Các file hệ thống Android 4.4 KitKat (Download)
- Một USB/CD boot vào Windows PE (Tham khảo bài viết Tạo menu khởi động cho USB)

Bước 1: Chuẩn bị phân vùng chứa hệ điều hành Android.

Có thể  tạo phân vùng mới riêng, hoặc sử dụng phân vùng đang chứa dữ liệu, hoặc sử dụng luôn phân vùng đang cài đặt Windows (khuyến khích sử dụng phương án này). Yêu cầu là phân vùng chọn khởi động Android phải là Primary (phân vùng chính), định dạng NTFS hay FAT32 đều được, có thể phải sử dụng đến phần mềm chia ổ cứng nếu máy tính chưa có sẵn phân vùng này.
Nếu sử dụng phân vùng đang cài Windows thì bỏ qua bước này.

Bước 2: Tạo khả năng boot Grub4Dos cho phân vùng này.

- Nếu chọn phân vùng cài đặt Android khác phân vùng chứa Windows, có thể sử dụng phần mềm BootIce ngay trên Windows để tạo khả năng boot Grub4Dos:
Khởi động BootIce, mục Destination Disk chọn đúng ổ đĩa (HDD). Chọn thẻ Process PBR, trong mục Destination Partition, nếu HDD có nhiều phân vùng thì ta sẽ chọn phân vùng cần boot là phân vùng đã chọn cài Android.
Chọn tiếp mục "GRUB4DOS 0.45c/0.46a ...", chọn Install/Config và chọn tiếp là "Version 0.45c" rồi nhấn OK, sẽ một thông báo hiện lên là thành công.


- Nếu chọn phân vùng cài Windows thì cần thêm một bước là boot vào hệ điều hành PE để làm việc này, vì hệ điều hành Windows không cho phép chỉnh sửa Partition Boot Record ngay trong Windows.
Lúc này cần đến một USB cứu hộ hoặc đĩa CD Hiren's Boot để khởi động vào hệ điều hành chạy trên USB/CD. Rồi sử dụng BootIce làm tương tự hướng dẫn trên, tuy nhiên trong mục Destination Partition thì chọn là phân vùng cài Windows. 






- Sau khi đã tạo boot xong, tiến hành Active phân vùng muốn boot, điều này là cần thiết để máy tính nhận diện phân vùng boot. Sử dụng BootIce, chọn thẻ Parts Manage, chọn tiếp phân vùng cần boot, chọn Active (Hình bên). Lưu ý chỉ phân vùng chính (Primary) mới có thể chọn là Active. Nếu chọn phân vùng cài Windows thì không cần làm bước này vì phân vùng này đang là Active rồi.



Bước 3: Copy các file cần thiết lên phân vùng boot.

- Sử dụng Winrar để giải nén file "Androidx86_NoAcc.rar" ta có thư mục "Androidx86", chép thư mục này lên phân vùng sử dụng để boot.
- Giải nén file "Grub4dos_menu_androix86.rar" và chép các file boot (grldr, message, menu.lst) lên phân vùng đã tạo boot Grub4Dos.



- Nếu muốn chỉnh sửa menu để boot các file cứu hộ có sẵn trên ổ cứng, hoặc boot vào hệ điều hành Windows/Linux khác đang có sẵn trên máy tính, thì sửa lại file "menu.lst" bằng phần mềm Notepad.

  + Code boot vào Windows:
title Microsoft Windows
find --set-root --ignore-floppies --ignore-cd /bootmgr || find --set-root --ignore-floppies --ignore-cd /ntldr || rootnoverify (hd0) && chainloader +1 && boot
map () (hd0) && map (hd0) () && map --rehook
find --set-root --devices=h /bootmgr || find --set-root --ignore-floppies --ignore-cd /ntldr
chainloader /bootmgr || chainloader /ntldr

  + Code boot vào Android:
title Android 4.4 R1 x86
kernel /Androidx86/kernel quiet root=/dev/ram0 androidboot.hardware=android_x86 video=-16 SRC=/Androidx86
initrd /Androidx86/initrd.img

  + Code boot các chương trình khác dạng ISO, ví dụ Hiren's BootCD 15.2:
title Hiren's BootCD 15.2
find --set-root /hiren.iso
map --mem /hiren.iso (0xFF)
map --hook
chainloader (0xFF)

Cần thiết phải có lệnh boot vào Windows để sử dụng Android song song cùng với Windows. Đối với lệnh boot vào Android thì đường dẫn cần chính xác, có phân biệt chữ hoa và chữ thường. Và cuối cùng là khởi động lại máy tính và trải nghiệm hệ điều hành mới. 

Màn hình khởi động và một số hình ảnh về Android 4.4.2 KitKat x86:






Một số điều cần lưu ý:
- Đây là phiên bản Android 4.4.2 KitKat dành cho Tablet. Khi sử dụng các phần mềm như Zalo sẽ bị xoay màn hình, vì thế cần cài đặt thêm phần mềm xoay ngang màn hình, chọn chế độ mặc định và cho chạy khi hệ thống Android khởi động.

- Nếu chọn boot Grub4Dos từ phân vùng khác phân vùng chứa Windows, có thể sau khi khởi động Android và trở lại Windows thì sẽ không shutdown máy tính theo cách thông thường được. Khắc phục bằng cách chọn boot từ phân vùng chứa Windows, hoặc tạo Shortcut tắt máy tính ra ngoài màn hình với đường dẫn như sau : "C:\Windows\System32\shutdown.exe /s /t 0"

- Sau khi khởi động Android và trở lại Windows thì thời gian hệ thống sẽ bị sai 7 tiếng, khắc phục bằng cách tắt chức năng "Automatic Update Time", "Automatic Update Time Zone" trong hệ điều hành Android (hệ thống Android trong bài viết đã tắt chức năng này)./.

Không có nhận xét nào: